(KTSG) – Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia…”. Nghị quyết đã có những quan điểm mang tính đột phá như “xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan điểm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam”; “xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”; “bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng…” cho doanh nhân.
Quan trọng hơn, Nghị quyết “bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, nhân lực, dữ liệu…”. Có những biện pháp rất cụ thể được Nghị quyết nêu ra như cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025 này và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Có những cam kết sẽ tạo điều kiện cho một làn sóng khởi nghiệp mới như “miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ba năm đầu thành lập”.
Điều doanh nghiệp lo ngại nhất là tình trạng lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng được Nghị quyết nêu tên và xử lý nghiêm, đi kèm với một cam kết cụ thể “chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm”.
Hãy lấy ví dụ một doanh nghiệp muốn khởi nghiệp, theo tinh thần của Nghị quyết, doanh nghiệp này sẽ được tự do kinh doanh trong bất kỳ ngành nghề nào pháp luật không cấm; sẽ chỉ cần đối chiếu với các điều kiện kinh doanh được công bố để tự đăng ký và được hậu kiểm chứ không cần xin phép để được cấp phép.
Ngoài những bảo đảm cho môi trường kinh doanh thuận lợi, Nghị quyết cũng nêu ra một nguyên tắc quan trọng, đó là sự phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Từ nay doanh nhân có thể yên tâm vì Nghị quyết nêu rõ: “Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự”. Nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước cũng được đề ra và bảo đảm.
Với doanh nghiệp tư nhân, có thể nói Nghị quyết 68 đã mở ra những hướng đi mới, đột phá, tạo động lực cho mọi người dân phát huy tinh thần kinh doanh một cách bình đẳng và bền vững. Quả bóng giờ nằm trên sân chính những người sẵn sàng tiên phong trên mặt trận kinh tế để đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tức 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.