Dẫn lại tuyên bố của đại diện Pakistan trong họp báo hôm 9-5, trang The War Zone cho biết nhiều trận không chiến giữa Ấn Độ với Pakistan đã xảy ra vào rạng sáng 7-5, với sự tham gia của hàng loạt máy bay chiến đấu.
Trong đó, Pakistan huy động chiến đấu cơ J-10 và JF-17 (Trung Quốc sản xuất) cùng F-16 Vipers (Mỹ cung cấp).

Hình ảnh được cho là mảnh vỡ tên lửa PL-15E do Trung Quốc sản xuất rơi xuống lãnh thổ Ấn Độ. Ảnh: X
Quan chức Pakistan cho biết 42 máy bay chiến đấu của họ đối đầu với 72 máy bay Ấn Độ.
Kết quả, họ bắn hạ 5 máy bay đối phương, bao gồm 3 máy bay Rafale (Pháp chế tạo), 1 Su-30MKI Flanker (Nga sản xuất), 1 MiG-29 Fulcrum và 1 máy bay không người lái.
Dù vậy, chưa có bất kỳ bằng chứng độc lập nào chứng minh tính xác thực của những thông tin trên.
Theo The War Zone, quân đội Pakistan có công bố dữ liệu radar và nhiều bản ghi âm nhưng tư liệu này không thể kiểm chứng một cách dễ dàng.
Có hình ảnh cho thấy một máy bay chiến đấu Rafale mất tích nhưng mọi báo cáo liên quan đến sự việc từ không quân Ấn Độ vẫn chưa thống nhất.
Trong khi đó, nhiều hình ảnh, video trên mạng xã hội thể hiện hình ảnh mảnh vỡ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ấn Độ, dọc biên giới Pakistan. Trong một số video ghi lại việc không quân Ấn Độ có mặt tại hiện trường và vô hiệu hóa tên lửa.
Trong số các mảnh vỡ, theo giới phân tích, có
phần đuôi còn gần như nguyên vẹn cùng một số bộ phận khác của tên lửa đối không dẫn đường bằng radar chủ động PL-15E do Trung Quốc sản xuất.
Dù nhiều chi tiết về cuộc đụng độ trên không giữa hai quốc gia vẫn còn chưa rõ ràng, đây được xem là lần đầu tiên một phiên bản của PL-15 được sử dụng trong chiến đấu.
Việc thu hồi được bất kỳ bộ phận nào của một trong những tên lửa đối không hiện đại nhất của Trung Quốc có thể là điều rất đáng quan tâm đối với giới chức Ấn Độ, cũng như với các đồng minh và đối tác của họ.
Trong cuộc họp báo kể trên, phía Pakistan cũng xác nhận đã sử dụng tên lửa PL-15E trong trận đánh.
PL-15, loại tên lửa đã được đưa vào biên chế trong quân đội Trung Quốc từ giữa những năm 2010, là một trong những tên lửa đối không hiện đại nhất của nước này. Tên lửa này được cho là tương đương phần nào với AIM-120 AMRAAM (Advanced Medium Range Air-to-Air Missile – tên lửa đối không tầm trung tiên tiến) của Mỹ.
PL-15 được thiết kế dẫn đường bằng radar, sử dụng đầu dò mảng pha điện tử chủ động (AESA) có khả năng hoạt động ở cả chế độ chủ động lẫn thụ động, và được cho là có khả năng chống gây nhiễu sóng vô tuyến tốt hơn các phiên bản tiền nhiệm của Trung Quốc.
Tên lửa cũng được trang bị đường truyền dữ liệu hai chiều, cho phép cập nhật thông tin dẫn đường sau khi phóng.
Tầm bắn tối đa của PL-15 là khoảng gần 200 km nhưng phiên bản xuất khẩu PL-15E đang được Pakistan sử dụng có tầm bắn khoảng 145 km. Việc các phiên bản xuất khẩu có hiệu năng giảm so với phiên bản nội địa là điều không hiếm gặp.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.