Giữa không gian sân bóng mát mẻ, trong lành, CBCS, nhân viên, người cai nghiện ma tuý dự khán, hào hứng theo dõi và cổ vũ cho các đội; những trận cầu sôi nổi, gay cấn đã trở thành sân chơi bổ ích, thêm gắn kết cán bộ cơ sở cũ và mới, giữa cán bộ và học viên…
Mọi hoạt động vẫn thông suốt ở cơ sở cai nghiện lớn nhất Thủ đô
Trong không khí rộn ràng cổ vũ trận chung kết giữa đội bóng Phân khu 1 và đội bóng Phân khu 2, Trung tá Bùi Anh Vũ, Trưởng Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 cho biết, đây là một trong những hoạt động thể thao thường niên để cán bộ, học viên rèn luyện, nâng cao sức khoẻ sau giờ lao động và học tập. Từ ngày 1/3/2025, thực hiện chủ trương không tổ chức Công an cấp huyện, Trung tá Bùi Anh Vũ từ Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma tuý Công an quận Hai Bà Trưng được phân công về Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội, giữ chức vụ Trưởng Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1.

Chỉ sau vài tuần tiếp nhận công tác mới, anh đã bao quát được tình hình thực tế và công việc nơi đây. Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 hiện nay được hình thành trên cơ sở hợp nhất và tiếp quản lại mô hình hoạt động của 3 Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1, số 2 và số 4 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP Hà Nội chuyển giao cho Công an TP Hà nội.
Diện tích hơn 60 ha, quân số hơn 2.000 học viên đang học tập và điều trị. Cơ sở tạm thời chia thành 3 phân khu, tổ chức thực hiện các quy trình cai nghiện ma tuý theo quy định gồm: tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, học nghề; và chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng.
Hiện, tổng số CBCS Công an là 67 đồng chí, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý và Phòng Cảnh sát cơ động; số cán bộ của cơ sở trước đây tiếp tục công tác là 350 đồng chí, trong đó 211 viên chức và 139 hợp đồng lao động.
“Thuận lợi là cán bộ nhân viên đoàn kết, an tâm công tác, thực hiện theo mô hình công tác mới về lực lượng Công an quản lý, phối hợp làm việc. Các phân khu đều có khu nhà ở, nhà ăn cho học viên, sân tập thể dục, phòng xem tivi…; khuôn viên môi trường trong lành, yên tĩnh, nhiều cây xanh… Tuy nhiên, cơ sở vật chất đang xuống cấp, có nơi xây dựng từ cách đây hơn 20 năm, ảnh hưởng công tác bảo đảm ANTT…”, anh thông tin.

Khắc phục những khó khăn, vướng mắc ban đầu, cơ sở luôn thực hiện đầy đủ chế độ cho học viên; hoạt động lao động, sản xuất được duy trì; tổ chức tốt công tác tăng gia, chăm sóc gia súc, gia cầm và trồng các loại rau xanh, cây ăn quả để nâng cao đời sống sinh hoạt cho cán bộ và học viên. Các học viên được đào tạo các nghề như cơ khí, may mặc, thủ công mỹ nghệ, xây dựng… và đều được cấp Giấy chứng nhận sau khi học xong 5 học phần phục hồi hành vi, nhân cách.
Trước đó, trao đổi với PV, Đại tá Trương Văn Hồng, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội cho hay, từ ngày 1/3/2025, thực hiện việc tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma túy từ ngành LĐ,TB&XH, số cơ sở cai nghiện tại Thủ đô Hà Nội được bố trí lại từ 7 cơ sở thành 4 cơ sở (đóng tại Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây, Nam Từ Liêm). Chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận nhiệm vụ mới được suôn sẻ, thuận lợi, đơn vị đã chỉ đạo các Trưởng cơ sở kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp tục làm tốt công tác chế độ chính sách cho cán bộ, đảm bảo không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển giao…
Đồng thời, tổ chức họp cán bộ chủ chốt của cơ sở, làm việc với từng bộ phận, phòng ban để nắm bắt tình hình hoạt động, chức năng nhiệm vụ, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tổ chức phân công nhiệm vụ đối với CBCS Công an được tăng cường, đảm bảo an ninh, an toàn của cơ sở. Tiếp tục duy trì thực hiện các quy trình chuyên môn công tác cai nghiện cho học viên, đảm bảo học viên chấp hành nghiêm các quy định của cơ sở; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho học viên, thực hiện công tác dạy nghề, lao động sản xuất, trị liệu…
Tiếp chúng tôi giữa bộn bề công việc, Trung tá Nguyễn Thế Nhật, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, chỉ huy Phòng phụ trách lĩnh vực quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý, trực tiếp phụ trách một trong 4 cơ sở cai nghiện ma tuý ở Thủ đô cho biết: “Nhờ sự chủ động nên đến nay mọi hoạt động tại 4 cơ sở cai nghiện do Phòng CSĐT Tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội quản lý đều diễn ra thông suốt, không hề bị ngắt quãng, gián đoạn. Bước đầu, lực lượng Công an và cán bộ ngành LĐ,TB&XH trước đây hiện đang công tác tại các cơ sở cai nghiện đã có sự phối hợp nhịp nhàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Rời sân bóng tham quan cơ sở vật chất và các xưởng lao động dạy nghề, chúng tôi cũng cảm nhận được điều này. Tại xưởng cơ khí, anh N.V.T (quê Mỹ Đức, Hà Nội) đang say sưa lắp ráp quạt điện dưới sự hướng dẫn, giám sát của các cán bộ. Anh đã có sẵn hiểu biết về lĩnh vực này từ trước, nhưng sau 1 năm cai nghiện ở cơ sở cai nghiện thì thêm nhiều kinh nghiệm và được đào tạo để cấp chứng chỉ nghề, để sau khi hoàn thành khóa cai nghiện, trở lại cuộc sống thường ngày thì có thể tự tin xin việc ở nhiều nơi.
Lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý cũng chỉ đạo các cơ sở tăng cường thực hiện công tác tuần tra, giám sát, kiểm tra trực ban; duy trì cán bộ trực 24/24h đảm bảo công tác ANTT trong và ngoài đơn vị; kiểm soát chặt chẽ các thiết bị điện tại nơi ở, sinh hoạt, vui chơi; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm…
“Có màu áo lực lượng Công an, chúng tôi yên tâm hơn”
Tại Tổ y tế, học viên N.Đ.K (SN 1988), trú Hoài Đức, Hà Nội được bác sĩ Nguyễn Minh Quý tiến hành khám tổn thương cột sống, bị từ trước khi vào cơ sở cai nghiện. Vào đây 7 tháng, anh cho rằng, cơ sở là môi trường lý tưởng cho việc cai nghiện, từ sự quan tâm của các thầy cô, y, bác sĩ đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động.
Mỗi sáng, anh K và những người cai nghiện ma tuý thức dậy từ 6h, vệ sinh cá nhân, tập thể dục, vệ sinh phòng buồng, quét dọn. Sau đó ăn sáng, đến khoảng 9h30 được xem ti vi, tầm 10h30 ăn cơm trưa. Nghỉ trưa đến 13h30, anh cùng học viên dậy tắm giặt, tập thể dục, lao động, ăn cơm tối. 21h tắt đèn đi ngủ, kết thúc chế độ sinh hoạt một ngày.

“Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công việc, sinh hoạt vẫn bình thường như trước, không thấy thay đổi gì. Các cán bộ Công an, thầy, cô đều quan tâm đến tâm tư, tình cảm của những người cai nghiện. Do sức khoẻ của tôi như thế nên các bác sĩ tạo điều kiện cho đến phòng y tế điều trị thường xuyên, được lãnh đạo Cơ sở giao làm những công việc vừa sức như quét dọn nhà vệ sinh, hành lang, buồng phòng. Còn chế độ ăn uống thì rất ổn, hơn cơ sở trước đây tôi từng đi cai nghiện tự nguyện”, anh K chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quý, người có thâm niên gần 28 năm tại Cơ sở cai nghiện số 1, cũng là bác sĩ duy nhất của cả 3 phân khu đang được đề nghị làm thủ tục tuyển dụng vào CAND và bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Cơ sở. “Qua chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma tuý từ ngành LĐ,TB&XH sang ngành Công an, về cơ bản mọi công việc diễn ra theo chiều hướng tốt, công tác khám, chữa bệnh, điều trị, lao động trị liệu cho học viên thông suốt, hiệu quả. Đặc biệt, theo cảm nghĩ và đánh giá sơ bộ của tôi thì có cái ưu việt hơn trước là, thay vì kiêm nhiệm nhiều việc, vừa khám chữa bệnh, điều dưỡng, vừa quản lý, bảo vệ, nay từng bước chuyên môn hoá, lực lượng y tế có nhiều thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân hơn, do đó, công tác này cũng sẽ hiệu quả hơn”, anh khẳng định.
Tại khu vực quản lý những người cai nghiện là nữ, em L.T.T (SN 2000), quê Ninh Bình đang cùng các bạn xem chương trình ti vi. “Các thầy cô quan tâm học viên tận tình, ngày nào cũng được thăm khám, đối với người cai nghiện bắt buộc như chúng em mỗi năm được khám sức khỏe định kỳ 2 lần; lễ Tết, 8/3, 20/10 được tổ chức các hoạt động kỷ niệm, sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Thời gian qua các cán bộ CAND vào thì ANTT đảm bảo hơn”, T bộc bạch. Hiện, em đã thành thạo may vá, có chứng chỉ nghề may và sắp tới sẽ trở về làm công nhân may tại quê nhà.
17 năm gắn bó nơi này, chị Lê Thị Kim Liên, cán bộ Tổ y tế của cơ sở cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị điều trị cho 40 bệnh nhân, thời điểm giao mùa hay thay đổi thời tiết, số lượng bệnh nhân tăng cao hơn. “Lực lượng Công an vào tiếp quản thì đơn vị vẫn hoạt động như trước đây, song có màu áo của lực lượng khiến chúng tôi an tâm hơn. Như nhà báo thấy đó, ngay từ ngoài cổng đã có chiến sĩ gác. Đồng chí Trưởng cơ sở cũng rất quan tâm, thực hiện đầy đủ quy định, chế độ cho anh em. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma tuý cũng sẽ tốt hơn, giúp nâng cao nhận thức cho các học viên do các anh đều là những người công tác lâu năm, am hiểu lĩnh vực này…”, chị chia sẻ thêm.
Chị Tống Thị Quý, kế toán Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 chia sẻ, trong giai đoạn chuyển giao nhiệm vụ từ ngành LĐ,TB&XH sang ngành Công an và quá trình quản lý người cai nghiện từ ngày 1/3 đến nay, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bước đầu trong công tác tài chính, hậu cần, cơ sở vẫn đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt, cấp phát thuốc… cho mọi học viên, các hoạt động quản lý của cán bộ và công tác khám, chữa bệnh, sinh hoạt của hơn 2.000 học viên vẫn diễn ra bình thường.
Thành lập 3 cơ sở cai nghiện, quản lý gần 4.000 học viên tại TP Hồ Chí Minh
Tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 1369 ngày 28/2/2025 về thành lập 3 cơ sở cai nghiện. Trong đó, Cơ sở cai nghiện ma túy Nhị Xuân của Lực lượng Thanh niên xung xung phong chuyển giao thành Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 TP Hồ Chí Minh; Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 của Sở LĐ,TB&XH chuyển giao thành Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 TP Hồ Chí Minh; 2 Cơ sở cai nghiện ma túy Bình Triệu và Bố Lá của Sở LĐ,TB&XH chuyển giao thành Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 TP Hồ Chí Minh.
Ngày 28/2/2025, Công an TP Hồ Chí Minh đã thành lập 4 Tổ công tác tiến hành các bước bàn giao, tiếp nhận các tài sản, công trình, toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, sổ sách, tài liệu; tiếp nhận học viên, tiếp tục tổ chức công tác cai nghiện, hạn chế xáo trộn hoạt động, đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở cai nghiện ma túy; duy trì, đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cơ sở và học viên. Hiện, 3 cơ sở cai nghiện có gần 4.000 học viên.
Ngày 2/3/2025, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh và Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác bàn giao, tiếp nhận tại các cơ sở, qua đó, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của CBCS, nhân viên, người lao động, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khảo sát, đánh giá hiện trạng về trang thiết bị, cơ sở vật chất để đề xuất sửa chữa, trang cấp; đồng thời, thường xuyên tập hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và UBND TP Hồ Chí Minh để nhận được sự quan tâm chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tiếp theo…
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.