(PLO)- HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định nghỉ một ngày để các bị cáo trong vụ Xuyên Việt Oil thực hiện các thủ tục khắc phục hậu quả.
Chiều 6-5, sau một ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã kết thúc phần xét hỏi đối với 7 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.
HĐXX thông báo để tạo điều kiện cho các bị cáo và gia đình thực hiện các thủ tục khắc phục hậu quả, đồng thời để có căn cứ giúp cho đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án thì phiên tòa sẽ tạm ngừng và sẽ tiếp tục lại vào ngày 8-5.
Tại phần xét hỏi, cả 7 bị cáo đều giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và thừa nhận hành vi phạm tội mà bản án sơ thẩm xác định là đúng, tuy nhiên mức hình phạt tuyên là nặng so với mức độ, hành vi thực hiện.

Trình bày trước toà bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) cho biết khi bị cáo Lê Đức Thọ về tỉnh Bến Tre công tác, bản thân đã mở công ty ở đây. Trong quá trình mở doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre, bà đã đóng thuế hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách của tỉnh. Cạnh đó công ty của bà cũng đã làm các hoạt động từ thiện hàng chục tỉ đồng tại địa phương này.
Trả lời câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Hạnh đồng ý dùng hết số dư trong các tài khoản đang bị phong toả (khoảng 6,7 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo này cũng nói thêm hiện không còn khả năng khắc phục thêm.
Về phía bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (phó giám đốc Xuyên Việt Oil), bị cáo Phương khai tại toà rằng tuy có chức vụ là Phó giám đốc công ty nhưng bị cáo không có chuyên môn, bị cáo Hạnh hướng dẫn ký giấy tờ gì thì ký giấy tờ đó.
Các bị cáo khác là cựu cán bộ công tác tại Bộ Công Thương thì cho biết hiện trong quá trình công tác có nhiều bằng khen giấy khen, công trình, đồ án nghiên cứu giúp ích cho Nhà nước nên xin xem xét giảm nhẹ.
Về phía bị cáo Lê Đức Thọ, bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải nộp lại 1,47 triệu USD, 300 triệu đồng; tiếp tục tạm giữ hơn 440.000 USD, 25,6 tỉ đồng và một sổ tiết kiệm để đảm bảo thi hành án. Đối với 133 sổ tiết kiệm và 97 miếng vàng thu giữ trong quá trình điều tra, tòa án xác định không liên quan đến sai phạm của ông Lê Đức Thọ tại Công ty Xuyên Việt Oil, nên trả lại.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Thọ làm đơn tự nguyện sử dụng tiền trong các sổ tiết kiệm được tuyên trả lại để khắc phục hậu quả của vụ án. Luật sư của bị cáo Thọ cũng cho biết sẽ nộp liên hệ ngân hàng để sao kê số dư trong các sổ tiết kiệm này để nộp cho toà án vì hiện tại 133 sổ tiết kiệm đang bị tạm giữ nên không thể có bản sao để nộp.

Như PLO đã đưa tin, để hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vào năm 2015, Mai Thị Hồng Hạnh đã mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH Xuyên Việt và đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, có ngành nghề chính là kinh doanh xăng dầu do mình làm giám đốc.
Do biết lĩnh vực xăng dầu thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Công Thương và Công ty Xuyên Việt Oil không đáp ứng đủ điều kiện nên đầu năm 2016, Hạnh đã tìm cách gặp gỡ ông Nguyễn Lộc An (Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) là người phụ trách mảng cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu (sau này bị cáo Hoàng Anh Tuấn phụ trách) để xin giúp đỡ.
Quá trình cấp xin cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và gia hạn giấy phép, Hạnh đã đưa hối lộ cho nhiều người trong Bộ Công Thương. Trong đó cựu thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (không kháng cáo) đã nhận 50.000 USD để chỉ đạo Hoàng Anh Tuấn xem xét, tạo điều kiện cấp sớm giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Bị cáo Trần Duy Đông đã nhận hối lộ 5,6 tỉ đồng và Hoàng Anh Tuấn đã nhận 5,9 tỉ đồng để đề xuất ông Đỗ Thắng Hải cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Bị cáo Lê Duy Minh đã nhận hối lộ của Mai Thị Hồng Hạnh 4,8 tỉ đồng, để tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil được chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) hạch toán và theo dõi riêng quỹ bình ổn giá… và mở tài khoản định danh. Tuy nhiên, khi thực hiện mở tài khoản Quỹ BOG tại các ngân hàng, Hạnh không mở tài khoản định danh mà mở tài khoản thanh toán thông thường. Đồng thời Hạnh cũng không trích lập quỹ dự phòng vào tài khoản quỹ BOG theo quy định mà sử dụng tiền cho nhiều mục đích khác nhau.
Đến ngày 11-8-2023, Bộ Công Thương ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và yêu cầu bà Hạnh nộp lại 219 tỉ đồng tiền Quỹ BOG vào ngân sách nhà nước. Hạnh không thực hiện được do đã sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân và không còn khả năng hoàn trả.
Đồng thời, Công ty Xuyên Việt Oil đã thu hộ cho Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường 1.244 tỉ đồng. Dù báo cáo đúng và đủ số tiền thuế nêu trên, nhưng Hạnh không chuyển tiền này vào ngân sách nhà nước mà sử dụng vào mục đích cá nhân.
Xét xử sơ thẩm hồi tháng 11-2024, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù về hai tội là đưa hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 28 năm tù.
Cấp sơ thẩm buộc bị cáo Hạnh nộp lại hơn 1.705 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.