(KTSG Online) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 6-5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, dự thảo có bổ sung quy định là người làm nghiên cứu sẽ được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.

TTXVN đưa tin, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày tóm tắt tờ trình dự án luật. Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương với 83 điều, tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại luật.
Phó thủ tướng cho biết, dự thảo đã bỏ quy định về đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với các tổ chức, chỉ giữ lại quy định đăng ký tổ chức khoa học và công nghệ để thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Việc bỏ quy định này nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức được thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ. Dự thảo cũng đã cắt giảm thủ tục hành chính theo chủ trương chung thay bằng quản lý trên môi trường số.
Điểm đáng chú ý là dự thảo đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là có bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm tại Việt Nam.
Cũng theo ông Lê Thành Long, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học công nghệ. Dự thảo luật có bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng luật; đề nghị thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, “chủ thuyết” phát triển trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro.
Ủy ban cũng tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỷ lệ vốn góp.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.