Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 thu hút hơn 2.700 đại biểu trong nước và nước ngoài, trong đó có 1.200 đại biểu quốc tế là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo, học giả nổi tiếng trên thế giới, cùng các tổ chức Phật giáo lớn đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Qua đó khẳng định vai trò đồng hành của tôn giáo trong hành trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển đất nước, góp phần phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Sự kiện Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 (Đại lễ) đang nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Đại lễ thu hút hơn 2.700 đại biểu trong nước và nước ngoài, trong đó có 1.200 đại biểu quốc tế là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo, học giả nổi tiếng trên thế giới, cùng các tổ chức Phật giáo lớn đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với thông điệp “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, đây thật sự là sự kiện tôn giáo mang tầm vóc quốc tế.
Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá, sự kiện quan trọng này là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước. Hình ảnh hàng nghìn tăng ni, tín đồ, người dân và khách quốc tế có mặt, hào hứng tham gia các sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Đại lễ phần nào cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, hòa hợp tôn giáo, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hòa bình, thịnh vượng trên trường quốc tế.
Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng song vấn đề tôn giáo tại Việt Nam luôn là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch. Lợi dụng Đại lễ Vesak 2025 được đông đảo dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, các tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí lập tức lớn tiếng cáo buộc “Việt Nam đối xử bất bình đẳng với các tổ chức tôn giáo”, “chính quyền sách nhiễu, bức hại, đàn áp tôn giáo”, đồng thời hô hào trả tự do cho các đối tượng mà họ khoác cho danh xưng “tù nhân tôn giáo” bất chấp thực tế đây là những người có hành vi chống phá đất nước đã bị cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật… Từ đó các tổ chức, cá nhân phản động tìm cách kích động các phần tử cực đoan, quá khích ở trong nước phá hoại, gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Quan sát thực tế cho thấy những luận điệu xuyên tạc mà các đối tượng ra sức rêu rao không mới vì thường xuyên xuất hiện trong các chiến dịch vu cáo tự do tôn giáo ở Việt Nam hoặc trong các báo cáo thiên lệch như của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), hay tổ chức Freedom House bởi khai thác từ nguồn tin không xác thực, phiến diện, cực đoan.
Đơn cử như việc lên án Việt Nam “hạn chế hoạt động của Tin lành độc lập” tại Tây Nguyên trong khi rõ ràng Việt Nam có hàng nghìn cơ sở thờ tự được nhà nước tạo điều kiện hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, hàng trăm điểm nhóm Tin lành tại Tây Nguyên được cấp phép, đại diện các điểm nhóm này cũng được mời tham gia hội đồng nhân dân các cấp.
Từ đây cho thấy rõ ý đồ của các đối tượng chống phá đó là nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, gây bất ổn chính trị, quốc tế hóa các vấn đề nội bộ để kêu gọi sự can thiệp của quốc tế vào các hoạt động của Nhà nước Việt Nam, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khai mạc Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ Vesak 2025
Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp nhân dân. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách “tín ngưỡng, tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước.
Khi cả nước bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là thời kỳ đổi mới, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục có những điều chỉnh nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại.
Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 24-NQ/T.Ư về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, xác định “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. 13 năm sau, ngày 12/3/2003 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa IX) ban hành Nghị quyết 25-NQ/T.Ư về công tác tôn giáo. Tại đây, quan điểm, chính sách của Đảng đối với tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm một bước mới.
Cụ thể Nghị quyết số 25 khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”. Đến Đại hội XIII Đảng ta nhấn mạnh “tôn giáo là một nguồn lực xã hội”, đồng thời kiên định quan điểm tiếp tục phát huy vai trò, tác động tích cực của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung này đều được cụ thể hóa trong Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, tiêu biểu là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc… đã nhiệt tình tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, các tổ chức tôn giáo thực hiện nhiều hoạt động từ thiện xã hội với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Từ việc xây dựng các cơ sở chăm sóc người già, trẻ em mồ côi, mở lớp học tình thương, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, đến các chiến dịch cứu trợ thiên tai – đây đều là những hành động thiết thực thể hiện tinh thần từ bi, bác ái, yêu thương con người và góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Điển hình như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện chương trình “Nồi cháo từ thiện”, khám chữa bệnh lưu động tại các vùng sâu vùng xa; Giáo hội Công giáo tổ chức các trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Thái Bình…; các Hội thánh Tin lành phát động chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên và Nam Bộ.
Bên cạnh đó các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo phát triển hài hòa. Ban Tôn giáo Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội nghị, tọa đàm giữa các tôn giáo với chính quyền, từ đó tăng cường sự hiểu biết, đồng thuận và hợp tác vì lợi ích chung của cộng đồng.
Việc cấp đăng ký hoạt động, phê duyệt nhân sự, hỗ trợ tu bổ, xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện để tôn giáo thực sự là chỗ dựa tinh thần cho hàng triệu tín đồ. Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận, với hơn 27 triệu tín đồ, gần 60 nghìn chức sắc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự.
Cùng với số lượng tổ chức tôn giáo không ngừng gia tăng, các lễ hội tín ngưỡng ngày càng thu hút đông đảo tín đồ tham gia, và các sự kiện quốc tế như Vesak được tổ chức trọng thị.
Trước Đại lễ Vesak 2025, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào năm 2008 với 87 nước tham dự tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội; năm 2014 với 95 nước tham dự tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; và năm 2019 với 112 nước tham dự tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Từ đây cho thấy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện sinh động trong đời sống. Bên cạnh đó, xét trên phương diện pháp lý, cần nhấn mạnh rằng Việt Nam có hệ thống pháp luật đầy đủ và rõ ràng để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 là một trong số ít các văn bản luật trên thế giới được xây dựng với sự tham vấn sâu rộng từ các tổ chức tôn giáo, chuyên gia và người dân.
Quá trình ban hành và triển khai luật cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận về tính minh bạch và cởi mở. Đồng thời, Việt Nam luôn tích cực tiếp xúc, trao đổi với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền, các tổ chức tôn giáo toàn cầu nhằm minh bạch thông tin, thúc đẩy hiểu biết và hợp tác.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… sau khi khảo sát thực địa đều ghi nhận rằng Việt Nam có môi trường tôn giáo ổn định, cởi mở và phong phú về văn hóa tín ngưỡng.
Đặc biệt, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sự kiện này không chỉ thể hiện sự tôn trọng và hỗ trợ của Chính phủ đối với Phật giáo mà còn là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa bình, đoàn kết và bao dung thông qua đối thoại tôn giáo.

Đại lễ Vesak 2025: Lan tỏa thông điệp hòa bình, khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Trước các âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch đòi hỏi cần có sự nhận diện rõ ràng và chủ động phản bác từ phía cơ quan chức năng, báo chí chính thống, các tổ chức tôn giáo và các tầng lớp nhân dân. Việc nâng cao nhận thức, kiên định lập trường, củng cố niềm tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước là điều kiện tiên quyết để bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các tổ chức tôn giáo cần chủ động thông tin, đối thoại, làm rõ quan điểm để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội trước các thông tin sai lệch. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực vì lợi ích của cộng đồng, tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam phát triển, hùng cường và hạnh phúc.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.