CNN phân tích, khi một Hồng y được bầu làm Giáo hoàng, việc đầu tiên mà ông thực hiện không phải là đọc bài diễn văn hay tham gia nghi lễ đăng quang, mà là chọn cho mình một cái tên mới. Đằng sau quyết định tưởng chừng mang tính hình thức đó là cả một truyền thống kéo dài hàng nghìn năm và những thông điệp sâu sắc về định hướng của thời kỳ giáo hoàng mới.
Khi tiếng hô vang lên từ ban công Vương cung thánh đường Peter “Habemus Papam!” (Chúng ta đã có Giáo hoàng!) – thế giới Công giáo không chỉ háo hức chờ đợi diện mạo của vị Giáo hoàng mới, mà còn hồi hộp lắng nghe tên mà ông chọn. Danh hiệu giáo hoàng không đơn thuần là cách gọi, mà là chỉ dấu đầu tiên về cá tính, sứ mệnh và thông điệp mà vị tân Giáo hoàng muốn truyền tải cho thế giới.

Quảng trường thánh Peter.
Từ Simon đến Francis – lịch sử đổi tên và những bước ngoặt
Truyền thống chọn tên mới bắt đầu từ năm 533, khi Giáo hoàng Mercurius, người mang tên vị thần La Mã Mercury, cho rằng tên của một vị thần ngoại giáo không phù hợp với vai trò lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Ông đã chọn tên John II để thể hiện sự tôn kính đối với Thánh Gioan Tông đồ.
Kể từ đó, việc chọn tên mới trở thành thông lệ, với mỗi Giáo hoàng chọn một tên thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thánh, các Giáo hoàng tiền nhiệm hoặc để truyền tải thông điệp về định hướng tương lai của Giáo hội.
Lựa chọn tên của một Giáo hoàng thường gắn với những thông điệp sâu sắc. Đó có thể là sự tôn kính với một vị thánh, một giáo hoàng tiền nhiệm, hoặc thể hiện định hướng cải cách, hoà giải hay truyền thống của người kế vị.
Ví dụ, Giáo hoàng Francis – người đương nhiệm – chọn tên để vinh danh Thánh Francis thành Assisi, biểu tượng của hoà bình, sự khiêm nhường và tình yêu thiên nhiên. Cái tên này ngay lập tức khắc hoạ phong cách của thời kỳ Giáo hoàng Francis: gần gũi, cải cách, tập trung vào người nghèo và đối thoại liên tôn.
Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông – Giáo hoàng Benedict XVI – chọn tên để tưởng nhớ Thánh Benedict thành Nursia, người sáng lập dòng Biển Đức, và Giáo hoàng Benedict XV – người kêu gọi hòa bình trong Thế chiến I. Cái tên Benedict gợi nhắc đến sự gìn giữ truyền thống, kỷ luật và cầu nối trong thời kỳ xáo động.
Giáo hoàng John XXIII ban phước lành “Urbi et Orbi” từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào tháng 4/1963, chỉ vài tuần trước khi ông qua đời. Trong suốt lịch sử, John là tên giáo hoàng phổ biến nhất. (Ảnh AFP/Getty)
“Các tên gọi thường liên hệ đến những vị Giáo hoàng hoặc thánh nhân từng vượt qua khủng hoảng, truyền cảm hứng cho cải cách, hay để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Giáo hội”, Liam Temple, phó giáo sư tại Đại học Durham (Anh), phân tích.
Ông Temple nói với CNN: “Việc liên kết đến tên của những vị giáo hoàng trước đây đã vượt qua khủng hoảng, truyền cảm hứng cho cải cách hoặc cực kỳ nổi tiếng thường có thể, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, đóng vai trò trong việc lựa chọn tên”.
Mỗi cái tên đều ẩn chứa lịch sử và ý nghĩa riêng, gắn liền với những thành tựu hoặc thất bại của các giáo hoàng hoặc thánh nhân trước đây đã mang tên đó.
Những cái tên nào sẽ bị cấm đặt?
Không phải cái tên nào cũng được lựa chọn một cách vô tư. Một trong những tên mà gần như chắc chắn sẽ không bao giờ được chọn là “Peter II” – bởi sự kính trọng đối với Thánh Phêrô, người được xem là “tảng đá” mà Chúa xây dựng Giáo hội.
Bên cạnh đó, cũng tồn tại một lời tiên tri cổ cho rằng “Peter Đệ nhị” sẽ là vị Giáo hoàng cuối cùng trước ngày tận thế – điều khiến các Hồng y tránh chọn danh hiệu này như một lẽ tự nhiên.
Ngoài ra, những cái tên quá gần với một Giáo hoàng gây tranh cãi gần đây cũng thường bị “né tránh”. Truyền thống và sự thận trọng khiến các vị tân Giáo hoàng cân nhắc kỹ càng để chọn một danh hiệu mang tính biểu tượng tích cực nhất.
Phó Giáo sư Temple lý giải thêm, sẽ có những cái tên khác không hẳn là bị cấm nhưng ít có khả năng được chọn vì chúng liên quan đến vị giáo hoàng gần đây nhất đã đặt ra chúng.
Khi được bầu, vị Hồng y tân Giáo hoàng sẽ được hỏi: “Ngài chọn tên nào?”
Thông điệp cho thời đại mới
Tên của Giáo hoàng là tín hiệu đầu tiên về hướng đi của Vatican. Một cái tên “John Paul III” sẽ gợi cảm hứng tiếp nối tinh thần truyền giáo mạnh mẽ của John Paul II; trong khi một “Leo XIV” có thể được hiểu là trở lại với tư tưởng bảo thủ của Leo XIII. Vì vậy, mỗi cái tên đều được phân tích kỹ lưỡng, không chỉ trong giới giáo hội mà còn bởi giới quan sát chính trị và xã hội toàn cầu.
Đối với hơn 1,3 tỷ tín đồ Công giáo, đó là dấu hiệu đầu tiên hé lộ câu hỏi lớn: Giáo hoàng mới sẽ là người kế thừa hay người cải cách?
Cẩm Lai(Nguồn: CNN)
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.