Hôm nay, 4-5, các sàn giao dịch cà phê kỳ hạn trên thế giới nghỉ cuối tuần, thị trường trong nước vẫn nghỉ lễ với giá tạm thời 129.900 đồng/kg, tăng 2.800 đồng/kg so với cuối tuần.
Trong khi đó, giới sản xuất, kinh doanh cà phê đặc sản tuần qua lại dậy sóng về vùng đất có nhiều cà phê Arabica đặc sản nhất Việt Nam.
Đó là Quảng Trị, nơi có tới 6/10 lô cà phê Arabica lọt vào tốp 10 Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2025 Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), bảng dành cho cà phê Arabica.
Dù có sự phân hạng trong tốp 10 nhưng điểm số chênh lệch rất nhỏ với hạng nhất là 84,79 điểm trong khi hạng 10 là 84,21 điểm.

Một mẫu cà phê đặc sản Việt Nam
Công ty TNHH Pun Coffee (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có đến 4 mẫu cà phê Arabica nằm trong tốp 10, trong đó có 1 mẫu giành hạng nhất (đồng hạng), 1 mẫu hạng năm, 1 mẫu hạng sáu và 1 mẫu hạng mười.
Khối lượng cà phê đặc sản nằm trong tốp 10 của doanh nghiệp này lên đến 13,4 tấn.
Trang trại Lê Đức Bình Farm (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có 1 lô cà phê Arabica 400 kg xếp hạng 3 (đồng hạng) và Công ty TNHH cà phê Ta Lư Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có 1 lô cà phê Arabica 1,5 tấn xếp hạng 8 trong tốp 10.
Các đơn vị còn lại trong tốp 10 cà phê Arabica đặc sản Việt Nam năm 2025 là Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ 8Ro (Đắk Nông, đồng hạng nhất, lô 510 kg); Công ty TNHH Quốc Lộc – Đà Lạt tự nhiên (Lâm Đồng, đồng hạng ba, lô 600 kg); Nông trại cà phê chín Ea Tân (Đắk Lắk, hạng bảy, lô 360 kg) và cơ sở sản xuất cà phê Bana’a (Kon Tum, hạng chín, lô 500 kg).
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), diện tích cà phê Arabica Việt Nam chỉ chiếm dưới 5% tổng diện tích, còn lại là Robusta.
Arabica Việt Nam trồng tại Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên,…
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.