Trong hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng nền tảng cho tài chính xanh, tín dụng xanh. Các tổ chức tín dụng đã chủ động ban hành chiến lược tăng trưởng xanh, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến sản xuất sạch, phát triển bền vững. Tuy nhiên, một rào cản lớn đang tồn tại suốt nhiều năm qua: chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Điều này không chỉ làm gián đoạn dòng chảy tín dụng xanh mà còn cản trở nỗ lực của toàn bộ hệ sinh thái tài chính trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh thực chất.
Khi tín dụng xanh “chưa có ngôn ngữ chung”
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), mặc dù dư nợ tín dụng xanh đã đạt gần 680 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2024, nhưng việc thống kê, giám sát, phân loại còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hệ thống tiêu chí rõ ràng, nhất quán về thế nào là “xanh”.
Hiện tại, mỗi tổ chức tín dụng phải tự xây dựng tiêu chí nội bộ để xác định các khoản cho vay xanh. Điều này dẫn tới tình trạng “mạnh ai nấy làm”, tiêu chí xanh khác nhau giữa các ngân hàng, gây ra sự thiếu nhất quán, không bảo đảm tính minh bạch và làm giảm hiệu quả chính sách toàn ngành.
Việc Danh mục phân loại xanh quốc gia chưa được ban hành khiến tổ chức tín dụng khó có cơ sở chắc chắn để xác định các dự án thuộc diện xanh, vừa làm tăng rủi ro trong thẩm định tín dụng, vừa ảnh hưởng tới công tác thống kê, hoạch định chính sách.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Bà Hà Thu Giang cho biết: “Việc Danh mục phân loại xanh quốc gia chưa được ban hành khiến tổ chức tín dụng khó có cơ sở chắc chắn để xác định các dự án thuộc diện xanh, vừa làm tăng rủi ro trong thẩm định tín dụng, vừa ảnh hưởng tới công tác thống kê, hoạch định chính sách”.
Không chỉ ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng “lúng túng” trong việc chứng minh tính xanh của dự án khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có tới 64% doanh nghiệp cho biết họ chưa thực hiện bất kỳ hành động chuyển đổi xanh nào, một phần do thiếu thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh: “Chúng ta đang rất thiếu ngôn ngữ chung để giao tiếp giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý khi nói về tín dụng xanh. Một Danh mục phân loại xanh quốc gia được ban hành sẽ giải quyết tận gốc vấn đề này”.
Hệ quả dễ thấy nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh dù khả quan nhưng chưa đạt kỳ vọng. Dư nợ tín dụng xanh hiện chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng – một tỷ lệ còn rất khiêm tốn nếu so với các nền kinh tế tiên tiến.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các mô hình sản xuất sạch, tuần hoàn, ứng dụng năng lượng tái tạo… nhưng không thể tiếp cận tín dụng xanh do thiếu căn cứ xác nhận dự án thuộc diện xanh.
Ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng nhà máy xử lý chất thải, sản xuất nông nghiệp sạch từ năm 2012, nhưng suốt hơn 10 năm vẫn không thể tiếp cận được tín dụng xanh vì không có tiêu chí xanh cụ thể cho ngành nghề của mình.”
Câu chuyện của Việt Long không phải cá biệt. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn đẩy mạnh cho vay các dự án điện sinh khối, điện rác, nông nghiệp tuần hoàn… nhưng vì thiếu Danh mục phân loại xanh nên việc xác định, thẩm định rủi ro gặp vô vàn khó khăn.”
Nghịch lý đang diễn ra đó là, nhu cầu vốn xanh cao, ngân hàng sẵn sàng cho vay, doanh nghiệp khát vốn, nhưng tín dụng xanh vẫn không thể giải ngân mạnh mẽ do thiếu “cây thước đo” thống nhất.

“Đòn bẩy” tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Kỳ vọng tháo gỡ nút thắt trong năm 2025
Theo Tiến sĩ Lại Văn Mạnh (Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường), Danh mục phân loại xanh quốc gia chính là “hòn đá tảng” để xây dựng thị trường tài chính xanh bài bản.
Danh mục này sẽ xác định rõ các lĩnh vực, hoạt động, tiêu chí kỹ thuật cho từng loại dự án được coi là xanh. Từ đó, làm cơ sở cho tổ chức tín dụng thẩm định, cấp tín dụng xanh đúng quy định, giúp doanh nghiệp chủ động lập dự án xanh bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý thống kê, giám sát hiệu quả tín dụng xanh toàn hệ thống.
![]() |
Vì thiếu Danh mục phân loại xanh nên việc xác định, thẩm định rủi ro của các tổ chức tín dụng gặp vô vàn khó khăn. (Ảnh: MINH PHƯƠNG) |
Tiến sĩ Mạnh cho biết, hiện Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường (2020), Nghị định 08/2022/NĐ-CP đặt nền móng pháp lý cho tín dụng xanh, nhưng vẫn thiếu bộ Danh mục chi tiết, tương tự như hệ thống phân loại xanh của EU, Trung Quốc, ASEAN.
Theo vị chuyên gia này, Danh mục phân loại xanh không thể được xây dựng tùy tiện mà cần bám sát các nguyên tắc quốc tế: phải dựa trên mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; cần có tiêu chí sàng lọc kỹ thuật rõ ràng cho từng lĩnh vực; đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc “không gây hại đáng kể” tới các mục tiêu môi trường khác.
“Chỉ khi có Danh mục phân loại xanh chính thức, Việt Nam mới có thể thực sự bứt phá trong việc huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính xanh,” Tiến sĩ Mạnh nhấn mạnh.
Thông tin tích cực là Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, đang hoàn thiện dự thảo Danh mục phân loại xanh quốc gia để trình Chính phủ trong năm 2025.
Theo dự thảo, các lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng xanh sẽ bao gồm: năng lượng tái tạo, công trình xanh, nông nghiệp tuần hoàn, giao thông vận tải không phát thải, sản xuất xanh, dịch vụ môi trường…
Bên cạnh đó, sẽ có hướng dẫn chi tiết về cách thức xác nhận dự án xanh, bao gồm tự xác nhận, xác nhận bởi đơn vị tư vấn độc lập hoặc thông qua cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu Danh mục phân loại xanh được ban hành đúng lộ trình, tín dụng xanh tại Việt Nam sẽ có nền tảng pháp lý vững chắc để tăng tốc, đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn vốn quốc tế lớn hơn, như từ Quỹ Khí hậu xanh, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á.
Bên cạnh yêu cầu cấp bách về hoàn thiện pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò thiết yếu của tín dụng xanh.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cũng nhận định: “Chuyển đổi xanh không còn là câu chuyện xa xôi mà đã trở thành đòi hỏi sống còn. Nếu không nhanh chóng hoàn thiện cơ chế tín dụng xanh, Việt Nam sẽ gặp khó trong quá trình cạnh tranh toàn cầu.”
Bên cạnh đó, cần sớm có cơ chế ưu đãi tài chính (thuế, phí, bảo lãnh) để khuyến khích ngân hàng và doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào tín dụng xanh.
Tín dụng xanh không chỉ là dòng vốn chi phí thấp, mà còn là dòng vốn thông minh, đồng hành cùng quá trình cải thiện năng lực sản xuất, mở rộng thị trường quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh xu hướng xanh hóa toàn cầu.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.