Trong báo cáo mới công bố, UNODC nêu rõ các mạng lưới tội phạm xuất hiện ở Đông Nam Á trong những năm gần đây, với các trung tâm lừa đảo quy mô lớn có hàng chục nghìn lao động bị cưỡng ép làm việc, đã nhanh chóng phát triển thành một mạng lưới bao phủ toàn cầu và hoạt động ngày càng tinh vi. Mặc dù chính phủ một số nước Đông Nam Á đã tăng cường trấn áp, các tổ chức tội phạm vẫn tiếp tục chuyển hướng hoạt động, lan ra khắp khu vực, thậm chí vươn ra thế giới.
![[Video] Báo động vấn nạn lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á](https://image.nhandan.vn/200x130/Uploaded/2025/kdrmdljwq/2025_03_16/avatar-of-video-588939-5840-793.png.webp)
[Video] Báo động vấn nạn lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á
Những tháng gần đây, Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar đã đẩy mạnh chiến dịch phối hợp truy quét các trung tâm lừa đảo dọc khu vực biên giới Thái Lan-Myanmar, đồng thời giải cứu những người bị lừa đảo hoặc bị bắt cóc đưa đến đó (như nam diễn viên Vương Tinh và nam người mẫu Dương Trạch Kỳ từ Trung Quốc trong tháng 1/2025). Chính phủ Thái Lan đã cắt nguồn cung điện xuyên biên giới tới các khu vực của Myanmar và ngắt kết nối internet nhằm chặn đứng khả năng hoạt động của các trung tâm lừa đảo.
Tuy nhiên, UNODC cho biết, các băng nhóm đã luồn lách chuyển hoạt động tới những khu vực xa xôi, những vùng có hệ thống quản lý lỏng lẻo ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở các nước ngoài khu vực.
Các tổ chức tội phạm cũng đang mở rộng sang Nam Mỹ, tìm cách tăng cường liên kết với các băng nhóm ma túy ở khu vực này thông qua hoạt động rửa tiền. Ngoài ra, các tổ chức này cũng mở rộng hoạt động sang các nước châu Phi như Zambia, Angola, Namibia… và khu vực Đông Âu.
Các băng nhóm dùng nhiều thủ đoạn hòng dụ dỗ, lôi kéo nhiều người từ hàng chục quốc gia khác nhau để tham gia vào những chiêu trò lừa đảo. Trong những chiến dịch truy quét gần đây tại biên giới Thái Lan-Myanmar, các cơ quan chức năng đã giải cứu được nạn nhân đến từ hơn 50 nước.
Chuyên gia phân tích của UNODC John Wojcik đánh giá, các băng nhóm tội phạm phát triển mau chóng và “lan nhanh như ung thư”. Ông cho biết, mặc dù chính quyền của một địa phương hoặc một nước nào đó có thể triệt phá được mạng lưới hoạt động trên địa bàn, song gốc rễ của tổ chức tội phạm thì vẫn còn đó, như rết nhiều chân, nên các tổ chức này vẫn có thể sử dụng thủ đoạn tinh vi để chuyển địa bàn hoạt động.
UNODC ước tính, có hàng trăm cơ sở lừa đảo quy mô lớn trên thế giới, thu về tổng số tiền lừa đảo lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Cơ quan này kêu gọi các quốc gia hợp tác và tăng cường nỗ lực để triệt phá hoạt động của các băng nhóm tội phạm tại Đông Nam Á cũng như ngăn chặn hoạt động của các tổ chức này trên phạm vi toàn cầu.
Các chuyên gia tổng kết, hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay mặc dù ngày càng tinh vi và nhắm đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau nhưng đều thông qua phương thức chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Tội phạm lừa đảo trực tuyến đều lợi dụng công nghệ cao khai thác những “góc khuất” trong nội tâm mỗi người, nhất là lòng tham và nỗi sợ, để thao túng tâm lý rồi lừa đảo trục lợi.
Số đông nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo vì tham các tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”…, hoặc do sợ bị tổn hại mạng sống, danh dự, uy tín, vi phạm pháp luật… Vì vậy, song song với các nỗ lực triệt phá tội phạm, các quốc gia cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân; như thế về lâu dài mới có thể “nhổ cỏ tận rễ” nạn lừa đảo trực tuyến.
Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.