Cuộc điện thoại khó tin
Đầu tháng 3, khi đang bận rộn sửa sang ngôi nhà ở Bắc Kinh, Đan Đan bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số máy bàn ở Phúc Kiến. Thông tin từ đầu dây bên kia khiến cô không thể tin nổi. Người gọi tự xưng là nhân viên tòa án nhân dân khu Tân La, thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, cho biết Đan Đan sẽ được nhận lại số tiền mà cô bị lừa 12 năm trước.
Sau khi xác nhận các thông tin và giấy tờ liên quan, ngày 17/4, Đan Đan đã nhận được hơn 4.900 Nhân dân tệ (hơn 17,4 triệu đồng) tiền hoàn trả từ tòa án, theo thông tin từ trang 163.

Trả lời báo chí, Đan Đan cho biết, vào năm 2013, khi đang học đại học năm thứ hai tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, cô bị một trang web giả mạo đánh cắp tài khoản Taobao. Sau đó, một người đàn ông nói giọng vùng duyên hải Đông Nam gọi điện, lừa cô chuyển tiền 4 lần. Kết quả, cô sinh viên bị lừa mất gần như toàn bộ tiền sinh hoạt trong một học kỳ.
“Giờ nghĩ lại thì thấy trò lừa đảo ấy rất vụng về. Lúc đó tôi còn chưa kịp phản ứng, thì bạn cùng phòng đã kéo đến đồn công an địa phương để báo án”, Đan Đan kể. “Công an khi đó nói với tôi rằng khả năng lấy lại tiền là rất thấp, nên tôi cũng không hy vọng gì”.
Trải nghiệm không may mắn đó luôn khiến cô cảm thấy day dứt và bất an. “Sau đó, mỗi lần nhận cuộc gọi nghi lừa đảo, tôi lại nhớ tới chuyện cũ, luôn tự nhắc mình phải cảnh giác. May mắn là từ đó đến nay, tôi không bị lừa lần nào nữa”, Đan Đan cho biết thêm.
Khép lại những tổn thương
Lúc đầu, Đan Đan không tin lời người phụ nữ tự xưng là nhân viên tòa án. Người này nói muốn trả lại số tiền cô bị lừa năm 2013. Cô ấy gọi để xác nhận các thông tin, địa chỉ của Đan Đan nhằm hoàn trả tiền.
“Vì năm đó kẻ lừa đảo nói tiếng phổ thông ‘với giọng nhừa nhựa’, nên tôi bán tín bán nghi, hỏi thêm vài thông tin. Cô ấy nói vụ án được xử tại Phúc Kiến, số tiền hiện đã được thu hồi và chuyển vào tài khoản của tòa án, họ liên hệ với tôi để trả lại”, Đan Đan kể tiếp.

“Vì tôi báo án không phải ở Phúc Kiến và cuộc gọi là từ máy bàn, nên tôi nói chưa thể xác minh được. Cô ấy cũng rất thông cảm và nói hiểu cho sự lo lắng của tôi. Sau đó, tôi chủ động tìm số của tòa án nhân dân Tân La và gọi để xác nhận. Tôi báo số điện thoại cho họ, họ nói không có vấn đề gì, chỉ cần tôi hợp tác cung cấp các thông tin là được”.
Sau đó, Đan Đan liên hệ với nhân viên tòa án thêm 3-4 lần nữa. “Nhân viên tòa án rất thẳng thắn, mỗi lần gọi đều nói rất nhanh, có lẽ họ phải liên hệ với nhiều người bị hại như tôi. Người thân khuyên tôi không nên cung cấp tài khoản ngân hàng hay giấy tờ để tránh bị lừa lần nữa nhưng tôi đã xác minh với cơ quan chính quyền, tất cả giấy tờ cũng đều gửi trực tiếp đến tòa án”.
Hôm 17/4, tài khoản ngân hàng của Đan Đan nhận được tiền hoàn trả từ tòa án nhân dân khu Tân La. Cô vô cùng xúc động và đã chia sẻ câu chuyện lên mạng: “Ý nghĩa của số tiền này từ lâu đã không còn nằm ở giá trị của nó nữa, mà giống như một dấu chấm trọn vẹn cho hành trình trưởng thành của tôi, giúp khép lại những tổn thương trong quá khứ”.
Cô đặc biệt cảm ơn lực lượng công an và tòa án vì đã không từ bỏ vụ việc của cô.
Ngày 22/4, cán bộ tòa án nhân dân khu Tân La đã xác nhận với báo chí về sự việc trên. Theo tòa án, nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền của Đan Đan chủ yếu hoạt động vào các năm 2013 và 2014. Vụ án đã được xét xử từ lâu nhưng do tính chất nhạy cảm, nên không tiện tiết lộ chi tiết. Họ đang tích cực liên hệ với các nạn nhân để hoàn trả tiền.
Nhân viên tòa án cũng cho biết, Đan Đan là một trong những trường hợp may mắn bởi cô không thay đổi số điện thoại liên hệ.

Khám phá thêm từ Rao vặt giá tốt
Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.